• Trang chủ
  • Đồng chí Nguyễn Văn Cừ với báo “Dân chúng” và tác phẩm “Tự chỉ trích”

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ với báo “Dân chúng” và tác phẩm “Tự chỉ trích”

Ngày 28-8-1941, tại Hóc Môn (Gia Định), thực dân Pháp đã xử bắn năm cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai.

Nguyễn Văn Cừ

Lúc đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng mới 29 tuổi.

Sớm giác ngộ cách mạng, 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 17 tuổi đồng chí được phân công ra hoạt động ở mỏ than Vàng Danh và xây dựng cơ sở Đảng ở đây. 19 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở vùng mỏ. Ngày 13-5-1931, ba tháng sau ngày bị bắt, đồng chí bị đưa ra xử ở Hội đồng đề hình Hà Nội, kết án khổ sai chung thân và đầy đi Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, để góp phần giáo dục tư tưởng, phổ biến đường lối và chỉ đạo đấu tranh, tờ báo Ý kiến chung ra đời. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một cây bút viết bài đều đặn. Ngoài tờ Ý kiến chung, ở khám 5, đồng chí Cừ còn chủ trì tập san Người tù đỏ.

Năm 1936, đồng chí được trả lại tự do. Bị đưa về quê quán, Nguyễn Văn Cừ tìm liên lạc với các đồng chí, tích cực hoạt động khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức của Đảng. Đầu năm 1937, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ; tháng 9-1937, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3-1938 được bầu làm Tổng Bí thư. Năm đó đồng chí mới 26 tuổi.

Với cương vị Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến xuất sắc vào việc xây dựng, vận dụng quan điểm lý luận của Đảng ta về mặt trận dân chủ, về phòng thủ Đông Dương, chống chủ nghĩa phát xít, vạch mặt bọn tơ-rốt-kít, bọn cải lương, phân tích các khuynh hướng “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong Đảng và ngoài Đảng lúc bấy giờ.

Dựa vào phong trào cách mạng của quần chúng đang phát triển mạnh mẽ ở trong nước và sự ủng hộ của nhân dân Pháp, đồng thời dựa vào đạo luật về tự do báo chí của nghị viện Pháp ban hành ngày 29-7-1881 đã trở thành cơ sở pháp lý ở Nam kỳ lúc đó, tháng 4-1938, hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Tập đã thay mặt Trung ương Đảng quyết định cho phát hành một tờ báo công khai bằng tiếng Việt, là cơ quan Trung ương của Đảng, lấy tên là Dân chúng, số 1 ra ngày 22-7-1938 không xin phép. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp chỉ đạo báo đó trong thời kỳ đầu và viết nhiều bài về các vấn đề lý luận và chính trị.

Dân chúng là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ ba trong toàn bộ lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam trước tháng 8-1945; là tờ báo được vinh dự đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ; là tờ báo in với số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trước Cách mạng tháng Tám 1945. (Trong hơn một năm tồn tại, Báo Dân chúng ra được tất cả 80 số, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ trong kho quản lý hiện vật bộ sưu tập báo Dân chúng với 79 số. Để việc bảo quản sưu tập báo Dân chúng được tốt hơn, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là BTLSQG) cho in lại báo Dân chúng dưới dạng 3 tập sách. Tập I từ số 1 đến số 28 (thiếu số 14); tập II từ số 29 đến số 50; tập III từ số 51 đến số 80.)